Phòng chống cháy nổ là việc thực hiện các hoạt động, giải pháp kỹ thuật có phương tiện hỗ trợ, các biện pháp,… nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ gây cháy nổ trong môi trường sống và làm việc của con người. Khi có sự cố cháy nổ xảy ra mỗi người chúng ta cần phải có kiến thức cơ bản về giải cứu người và tài sản, ngăn chặn ngọn lửa lây lan.
Bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến cháy nổ như nắng nóng, chập điện, sơ suất của con người, bố trí sắp xếp hàng hóa dễ cháy gần nơi có nhiệt độ cao,… làm tăng nguy cơ cháy nổ tại các khu vực sản xuất kinh doanh, nhà xưởng,… Vì vậy, mọi người cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa hỏa hoạn xảy ra.
1. Một số biện pháp phòng chống cháy nổ hiệu quả
Dưới đây là một số biện pháp phòng chống cháy nổ hiệu quả mà bạn có thể áp dụng nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.
1.1. Phòng chống cháy nổ tại nhà xưởng, cơ sở kinh doanh
Sự cố cháy nổ xảy ra sẽ làm gián đoạn việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí có thể làm cho doanh nghiệp ngừng hoạt động. Chính vì thế việc phòng chống cháy nổ tại nhà xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh là điều vô cùng quan trọng.Dưới đây là một số biện pháp phòng chống cháy nổ được áp dụng tại cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà xưởng:
- Sử dụng nguyên vật liệu có khả năng chống cháy và khó cháy tại cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà xưởng.
- Lưu ý không để đồ vật dễ cháy, dễ bắt lửa đặt cạnh nguồn lửa, nơi sinh ra nhiệt độ cao như lò đốt nhiệt, máy móc hoặc những thiết bị có khả năng sinh nhiệt cao.
- Thực hiện quy hoạch công trình nhà xưởng, cơ sở kinh doanh hợp lý, để khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra thì lửa cũng khó có thể lan rộng qua nơi khác.
- Lắp đặt cửa chống cháy, cửa cuốn chống cháy tại lối thoát hiểm và các địa điểm khác trong nhà xưởng.
- Lắp đặt hệ thống báo động cháy nổ, thiết bị báo cháy tự động, bán tự động.
1.2. Phòng cháy nổ tại trường học, cơ sở giáo dục
Theo như báo cáo, nghiên cứu thì hầu hết tất cả các đám cháy xảy ra tại cơ sở giáo dục, trường học thường bắt nguồn từ các khu vực ngoài lớp học. Nguyên nhân xảy ra cháy nổ tại trường học do hệ thống điện quá tải, khu vực chứa nhiên liệu dễ bắt lửa, không đủ biện pháp bảo vệ hoặc có nồng độ oxy quá cao,…
Chẳng hạn vụ cháy xảy ra vào ngày 15/2 tại trường tiểu học Yên Hòa ở Hà Nội xuất phát từ hầm để xe. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng kết luận là do chập điện. Vụ việc rất may không có thiệt hại về tính mạng của con người, nhưng đây được xem là lời cảnh tỉnh cho các cơ sở giáo dục cần phải chú trọng đến các biện pháp phòng chống cháy nổ trong trường.Dưới đây là một số biện pháp phòng chống cháy nổ các đơn vị cơ sở giáo dục có thể tham khảo:
- Duy trì biển báo thoát hiểm, lối thoát hiểm tại các khu vực phù hợp, đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục xây dựng cao tầng có hệ thống thang máy.
- Đặt và bảo quản bình phòng cháy chữa cháy tại những khu vực dễ nhìn thấy, dễ tiếp cận.
- Bảo quản và sử dụng đúng cách một số vật liệu nguy hiểm, một số hợp chất hóa học dễ gây cháy nổ trong tòa nhà, trường học.
- Lắp đặt và duy trì hệ thống phòng cháy chữa cháy để phát hiện, cảnh báo cháy nổ kịp thời.
- Nhà trường cần phải trang bị đầy đủ thiết bị an toàn phòng chống cháy nổ trong trường học. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị phòng cháy chữa cháy, sơ cứu,…
- Thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo kiến thức phòng cháy chữa cháy, nâng cao ý thức của học sinh, sinh viên, giáo viên và đội ngũ nhân viên của trường cách sử dụng thiết bị chữa cháy, xử lý sự cố và sơ cứu trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra.
1.3. Phòng chống cháy nổ tại gia đình
Mỗi năm, có rất nhiều vụ cháy nổ lớn tại các khu dân cư, hộ gia đình gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của con người. Nguyên nhân của sự cố cháy nổ hầu hết đều bắt nguồn từ việc chập điện, rò rỉ khí gas,… Chính vì thế, việc hiểu rõ những rủi ro cháy nổ phổ biến là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho gia đình của bạn. Đồng thời xây dựng các biện pháp phòng chống cháy nổ hiệu quả.
Dưới đây là một số biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ tại nhà bạn có thể tham khảo:
- Tuyệt đối không nên để nhiều hàng hóa, đồ đạc, vật liệu dễ bắt lửa gần khu vực nấu ăn của gia đình. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt cũng như chất dễ cháy nổ trong nhà. Trường hợp cần thiết thì bạn hãy đặt nơi thông thoáng, cách xa các nguồn bắt lửa.
- Đối với các phương tiện di chuyển như xe máy, ô tô,.. sử dụng xăng dầu để hoạt động cần phải đậu ở nhà kho riêng, có cửa chống cháy làm cửa ra vào. Các vật dụng đựng xăng dầu phải đậy kín nắp, tránh đổ chảy ra nơi khác rất nguy hiểm.
- Hạn chế sử dụng tấm nhựa, mút xốp, gỗ,.. để ốp tường, vách ngăn trong nhà. Thay vào đó bạn hãy sử dụng các loại vách ngăn chống cháy như kính, gạch ốp tường,… vừa đảm bảo an toàn vừa đem đến giá trị thẩm mỹ cao.
- Không vừa sạc điện thoại vừa bấm, không sạc thiết bị tiêu thụ điện vào ban đêm đề phòng chập điện.
- Lắp đặt aptomat tự ngắt điện cho hệ thống điện chung của toàn ngôi nhà. Mỗi khi thiết bị có công suất hoạt động quá lớn thì aptomat sẽ tự động ngắt dòng điện đi, hạn chế nguy cơ chập điện.
- Bố trí nơi thờ cúng khoa học, hợp lý, và đặt vật dụng thờ cúng trên bàn thờ phải có khả năng chống lửa. Hạn chế tối đa việc để nhiều vàng mã, giấy tờ cúng gần đèn dầu trên bàn thờ tránh trường hợp bắt lửa.
- Trước khi ra khỏi nhà cần phải kiểm tra thật kỹ các thiết bị điện, nên tắt hết tất cả thiết bị không sử dụng để tránh chập điện.
- Trang bị bình chữa cháy xách tay tại nhà để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, bạn hãy nên lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy để sớm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời.
2. Cần làm gì khi phát hiện sự cố cháy nổ?
Trường hợp khi phát hiện có sự cố có hỏa hoạn xảy ra, thì chúng ta cần phải nhanh chóng thực hiện một số công việc sau đây:
- Báo động có cháy để cho mọi người có mặt tại hiện trường cùng nhau biết.
- Nhanh chóng di chuyển đến khu vực nguồn điện chính để cắt điện nơi xảy ra cháy nổ và một số khu vực xung quanh.
- Triển khai công tác sơ tán, cứu người, di chuyển người mắc kẹt trong đám cháy ra khỏi khu vực nguy hiểm.
- Lập tức gọi điện thoại báo ngay cho cơ quan chức năng phòng cháy chữa cháy để thực hiện công tác dập tắt ngọn lửa và cứu người.
- Hướng dẫn nơi đỗ xe và lấy nước chữa cháy cho cơ quan chức năng.
- Tổ chức một số biện pháp dập tắt lửa nhanh chóng. Phối hợp với lực lượng phòng cháy chữa cháy để nhanh chóng dập tắt ngọn lửa.
- Bảo vệ tài sản có giá trị khỏi những thành phần lợi dụng tình huống hỗn tạp để thực hiện hành vi ăn cắp.